Dọc theo Quốc lộ 47C từ thị trấn Thọ Xuân đến khu di tích lịch sử Lam Kinh qua làng nghề truyền thống bánh Gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên chúng ta bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp của người dân làng nghề sống chủ yếu dọc tuyến Quốc lộ 47C cho ra lò những chiếc bánh Gai thơm phức của mùi gạo nếp trộn lẫn với bột cây lá gai, mật mía như muốn níu kéo khách qua đường và du khách thập phương mỗi khi qua làng nghề.
Toàn xã có hơn 80 hộ làm nghề bánh gai; trong đó, có 49 hộ làm thường xuyên tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 300 đến 400 lao động thường xuyên và lao động thời vụ . Thu nhập từ làm nghề bánh gai chiếm 30% tổng thu nhập của toàn xã. Nếu nhân dân và du khách thập phương có dịp dừng chân dọc hai bên trục đường quốc lộ 47C đoạn từ làng Mía đến hết phố Tứ Trụ, nhân dân ở đây bày bán những chiếc bánh Gai với với thương hiệu "bánh Gai Tứ Trụ" ứng với thương hiệu của mỗi chủ cửa hàng. Hòa cùng không khí tất bật của các hộ làm bánh, chúng ta có thể bắt gặp đó là hình ảnh nồi hơi áp suất cao đang nghi ngút khói, mùi thơm nức từ sản phẩm của bánh trong lò. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu (lá gai, gạo nếp, đậu xanh, mật, vừng ...) đến quá trình chế biến bảo đảm chất lượng để tạo ra chiếc bánh thơm ngon, luôn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, năm 2016 bánh gai Tứ Trụ vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Bằng chứng nhận là một trong 10 sản phẩm hàng hóa tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa.

Theo lời kể của người dân làng Mía, trước đây, bánh Gai Tứ Trụ thường chỉ được làm để cúng tiến Vua và trong các dịp giỗ tết, đình đám, ngày hội. Hiện nay, bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, không chỉ trong huyện, tỉnh mà còn đến cả các tỉnh bạn trên khắp mọi miền đất nước. Qua trao đổi với anh Lê Hữu Lâm, chủ cơ sở sản xuất bánh Gai Lâm Thắm, làng Mía, xã Thọ Diên, cho biết: Bắt đầu từ tháng 8, gia đình anh đã nhập các loại nguyên liệu đễ sẵn sàng làm bánh phục vụ du khách. Nếu như những ngày bình thường, gia đình anh làm từ 1.200 đến 1.500 chiếc bánh/ngày, thì những ngày lễ, gia đình anh tăng lên từ 2.000 đến 2.500 chiếc bánh/ngày.
Không chỉ riêng cơ sở sản xuất bánh Gai Lâm Thắm, mà tất cả các gia đình làm bánh gai tại làng Mía - Tứ Trụ, xã Thọ Diên dịp này đều hối hả, vừa thuê thêm nhân công, vừa tăng cường làm cả ban đêm, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Đây cũng là cơ hội để những hộ sản xuất bánh gai nơi đây có dịp để quảng bá thương hiệu của nghề truyền thống, bởi vậy dù phải gia tăng về số lượng, nhưng về chất lượng bánh vẫn được các hộ chú trọng và đặt lên hàng đầu, đặc biệt về vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, sản phẩm bánh Gai tại làng nghề còn được sự kiểm soát chặt chẽ của Hiệp hội làng nghề bánh Gai Tứ trụ. Có thể nói, nghề làm bánh gai Làng Mía - Tứ Trụ, xã Thọ Diên đang ngày càng khẳng định vị thế của mình, thông qua đó đã khẳng định sản phẩm bánh Gai Tứ trụ là sản phẩm truyền thống mang hương vị đặc trưng của Thọ Diên nói riêng và Thọ Xuân nói chung, đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cùng với sự phát triển của làng nghề truyền thống bánh Gai Tứ trụ và sự ra đời của Hiệp hội làng nghề, những chiếc bánh Gai được làm ra đã được công nhận thương hiệu tập thể. Bánh gai Tứ Trụ đã theo chân người du lịch đi xa tận chót mũi Cà Mau, tít tắp địa đầu Móng Cái, nhiều khi còn vượt sang biên giới nước bạn, có mặt trên nhiều tờ báo, có trong danh mục ẩm thực xứ Thanh. Về tham quan khu di tích lịch sử Lam Kinh ra về không thể nào không mua dăm chục bánh gai về làm quà. Người dân làng Mía yêu cái nghề làm bánh, vinh dự, tự hào với nghề và biết ơn vị tổ nghề đã giúp dân làng có thêm nguồn thu nhập từ những ngày xa xưa, giờ đang góp phần giúp nhân dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Mỗi người dân làm nghề tự nhủ: phải tiếp tục truyền nghề, phải giữ lấy hương vị đậm đà bản sắc quê hương, bản sắc dân tộc, để bánh gai Tứ Trụ thực sự là điểm hẹn tuyệt vời trên hành trình du lịch khám phá của du khách khi về với xứ Thanh.